Giới thiệu ý tưởng phát triển LietSi.com

I. Đặt vấn đề

Trong số 1.1 triệu Liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc ở thế kỉ trước, đến nay vẫn còn gần 500 nghìn người mất tích và vô danh. Trong 600 nghìn người còn lại, do điều kiện thông tin liên lạc, điều kiện kinh tế, điều kiện bảo quản giấy tờ trong thời chiến của cả các gia đình liệt sĩ và các cơ quan nhà nước, nên nhiều người đã được quy tập ở một nghĩa trang nào đó, nhưng gia đình không hề nắm được thông tin.
Giấy báo tử liệt sĩ Ngoài ra, do điều kiện bảo mật về thông tin trong thời chiến, nên khi một quân nhân tử trận, người ta thu thập toàn bộ các thông tin chi tiết báo cáo cho Ban chỉ huy quân sự địa phương, sau đó chỉ rút gọn lại thành các thông tin rất ngắn gọn ghi trên giấy báo tử gửi cho gia đình. Từ các thông tin đó, gia đình không thể biết được liệt sĩ hi sinh tại đâu. Ảnh bên là ví dụ về một mẫu giấy báo tử của liệt sĩ được gửi cho gia đình năm 1975.

Việc quy tập hài cốt về các nghĩa trang liệt sĩ cũng do Ban chỉ huy quân sự ở các địa phương phụ trách và không có thông tin cho gia đình (nếu gia đình đó không tìm các cách để hỏi). Vì vậy nhiều người có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, đang nằm ở nghĩa trang nào đó nhưng lại thuộc dạng "mất tích" đối với gia đình. Ước tính hiện nay ít nhất có khoảng 50-100 nghìn trường hợp như vậy.

Các lí do chính khiến gia đình liệt sĩ không có thông tin:
  • Điều kiện kinh tế trước đây eo hẹp
  • Mất giấy tờ do chiến tranh, do thời gian quá lâu
  • Thông tin thời chiến bị sai lệch
  • Các cách mã hóa phiên hiệu đơn vị của thời chiến không tường minh
  • Khoảng cách địa lí quá lớn

  • Các gia đình liệt sĩ trong hoàn cảnh này thường tìm đến giải pháp Gọi vong, nếu gia đình nào có điều kiện thì cử người tìm từng nghĩa trang dọc đường hành quân của đơn vị. Các cách này rất tốn kém và xác suất thành công không cao hoặc cơ sở khoa học chưa rõ ràng.

    Một số trang thông tin điện tử của các nghĩa trang được thành lập (vd nghĩa trang Trường Sơn - 10 nghìn mộ) nhưng còn yếu và thiếu thông tin, chỉ có thông tin của một nhóm nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu của số đông. Một số tổ chức trợ giúp gia đình liệt sĩ (vd Trung tâm MARIN) thu thập được một lượng lớn thông tin về đơn vị, nơi hi sinh thực tế... nhưng cũng không từ đó biết được vị trí hiện tại của các liệt sĩ.

    II. Giải pháp Mạng xã hội tìm mộ Liệt sĩ Việt Nam

    Sử dụng sức mạnh của cộng đồng xã hội những người sử dụng internet và công nghệ khoa học máy tính hiện đại trong vấn đề xử lý ảnh, nhận dạng chữ viết để xây dựng ngân hàng dữ liệu chính xác về vị trí hiện tại của các liệt sĩ trong Chiến tranh Việt Nam. Giải pháp này gồm các chức năng sau:

    Hệ thống xử lý ảnh: Hệ thống phân tích thông tin cho phép nhận diện các nội dung chữ trong 1 bức ảnh, chuyển thành dạng text thông thường để phục vụ tìm kiếm một cách dễ dàng. Mỗi bức ảnh hệ thống sẽ chỉ phải xử lý trong một chu kì giới hạn.

    Dán nhãn: Nhìn trên ảnh chụp bia mộ có chữ gì thì ghi ra chữ đó, giống tag ảnh trên Facebook hoặc sửa lỗi của dữ liệu nếu sai khác so với ảnh.

    Thẩm tra ảnh: Hệ thống xử lý ảnh có thể nhận diện chưa đúng nếu ảnh có chất lượng thấp hoặc nhiều lí do khác, người xem thông tin có thể tham gia sửa nếu thấy hiện ko đúng. Ví dụ: trên ảnh là Liệt sĩ Nguyễn Văn A nhưng Nhãn của ảnh là Liệt sĩ Nguyễn Vân A -> Sửa.

    Tìm kiếm thông tin: Có thể gõ bất cứ thông tin gì: họ tên, nguyên quán, ngày hi sinh vv... để tìm kiếm từ Cơ sở dữ liệu Chữ trên bia mộ. Kết quả hiển thị sẽ là ảnh bia mộ và các nội dung chữ phù hợp để người cần tìm kiếm xác định vị trí mộ.

    Tình nguyện viên: Là những người tình nguyện đi chụp lại ảnh bia mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ và đưa lên hệ thống. Các thao tác tương đối đơn giản, chỉ như đưa ảnh lên Facebook.

    III. Ví dụ về kết quả của hệ thống

    Bia mộ Liệt sĩ Hoàng Văn Hoa

    Từ một ảnh chụp bia mộ liệt sĩ như trên, LietSi.com sẽ trích xuất ra được thông tin (dưới dạng text, có thể tìm kiếm dễ dàng) về liệt sĩ như sau:
    • Tên liệt sĩ: Hoàng Văn Biển
    • Năm sinh: 1963
    • Quê quán: Đa Phúc - Đồ Sơn - Hải Phòng
    • Đơn vị: C1 D4 E983
    • Nhập ngũ: 3 - 1984
    • Hy sinh: 17 - 6- 1985
    Các thông tin này cùng với vị trí ảnh được chụp giúp cho gia đình, bè bạn của Liệt sĩ Hoàng Văn Biển có thể dễ dàng tìm ra nơi anh đang yên nghỉ, chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên LietSi.com. Việc trích xuất thông tin như vậy sẽ được LietSi.com thực hiện trên số lượng nhiều triệu ảnh chụp bia mộ (do khả năng trùng lặp thông tin).

    IV. Tính khả thi

    - Công nghệ chụp ảnh hiện nay phát triển nhanh, ai cũng có máy ảnh trong điện thoại hoặc máy ảnh cá nhân. Do đó việc chụp ảnh đối với những người tình nguyện là tương đối dễ.

    - Với lượng 1,1 triệu mộ liệt sĩ, chỉ cần vài nghìn lần chụp ảnh của các nhóm tình nguyện, có thể bao quát hết các mộ liệt sĩ ở Việt Nam.

    - Việc trùng lặp thông tin có thể xảy ra (một nghĩa trang được nhiều người chụp lại) nhưng có thể lợi dụng chính loại dữ liệu trùng lặp này để thẩm tra tính chính xác của thông tin.

    - Có thể hợp tác với những nhóm thanh niên thích đi du lịch hoặc các đoàn thanh niên ở địa phương, ở các trường Đại học. Đây là nhóm những người nhiệt huyết vào bậc nhất trong xã hội, việc kêu gọi họ làm tình nguyện viên chụp ảnh cho hệ thống là không khó.

    - Mỗi người tham gia vào hệ thống có cơ hội được đóng góp công sức cho xã hội, giúp các gia đình khác tìm được thân nhân của mình. Đóng góp cho xã hội là một trong những điều giới trẻ hiện nay rất muốn làm.

    - Các chức năng tương tác của website như: Kết nối tình nguyện viên và gia đình tìm được liệt sĩ (để cảm ơn), Nhắc ngày giỗ liệt sĩ, Thắp hương online, Thăm mộ đồng đội online... sẽ góp phần xây dựng cộng đồng thành viên của mạng.

    Chúng tôi muốn Cộng đồng mang thêm nhiều Hi vọng
    cho các gia đình Liệt sĩ, vì Liệt sĩ là những người
    đã hi sinh cuộc đời mình vì Hi vọng cho cả Cộng đồng