Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Về ngôi mộ vô chủ được cho là “mộ liệt sĩ” trong khu vực ga Yên Bái

Thông tin về một “ngôi mộ liệt sĩ” vô chủ tồn tại trong ga Yên Bái hơn 20 năm nay cùng những lời đồn đại li kì xung quanh ngôi mộ này đã thúc đẩy chúng tôi có chuyến công tác tại đây để tìm hiểu kĩ sự việc. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã tìm hiểu sớm đến với thân nhân của người đã khuất, để họ có thể tìm lại hài cốt người thân của mình sau nhiều năm thất lạc.

Kỳ 1: Những thông tin ban đầu

Nhân chứng hiếm hoi

Những thông tin ban đầu chúng tôi có được thật mơ hồ, rằng khoảng 17 năm về trước có người đàn ông mang hài cốt con trai- vốn hy sinh tại mặt trận phía Bắc từ Lào Cai về quê, khi qua ga Yên Bái đã bị kẻ trộm lấy mất chiếc ba lô, bên trong là bộ hài cốt. Trớ trêu thay, khi ông tuyệt vọng lên đường về quê thì cũng là lúc những người dân xung quanh khu vực ga Yên Bái đã tìm thấy bộ hài cốt bị kẻ xấu bỏ lại. Họ đã chôn bộ hài cốt ngay dưới chân cột tín hiệu phía bắc ga. Nhiều câu chuyện li kì xung quanh ngôi mộ đã khiến nhiều người tò mò, nhưng cho tới tận bây giờ, hàng chục năm đã trôi qua vẫn chưa có ai tới nhận.

Có mặt tại ga Yên Bái ngày 16.2, chúng tôi đã được những người thợ đầu máy tốt bụng chỉ cho vị trí ngôi mộ nằm cách ga khoảng 1 km về phía bắc. “Anh muốn biết thông tin về nguồn gốc ngôi mộ cứ đi tìm cụ Ngọc, vì cụ là người đầu tiên chôn bộ hài cốt đấy”- Những công nhân đường sắt bảo tôi.

Run rủi thế nào, người đầu tiên chúng tôi hỏi thăm trong “xóm đường sắt” lại chính là cháu ruột gọi cụ Ngọc là bà nội! Cụ Vũ Thị Ngọc, năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Cụ ông mất sớm, cụ phải tần tảo kéo xe bò chở hàng thuê, trồng rau và làm đủ thứ nghề lặt vặt để nuôi mấy đứa con khôn lớn.

Bà mẹ ông Trân bên ngôi mộ

Cụ kể lại rằng, hôm ấy cụ kéo xe bò đi cắt cỏ ngang qua vạt rau ngay cạnh cột tín hiệu ga Yên Bái thì thấy một chiếc túi du lịch màu xanh đang âm ỉ cháy phía dưới. Đường sắt thì cao, cụ bò một lúc mới đem được chiếc túi lên mặt đường.

Tò mò mở ra, cụ bỗng hốt hoảng khi thấy bên trong là một bộ hài cốt được bọc trong 3 lớp, 2 lớp bên ngoài là chiếc màn và chiếc chăn trấn thủ bộ đội màu xanh đang cháy âm ỉ. Nghe tiếng kêu thất thanh của cụ, một số người hiếu kì quây lại xem và khuyên cụ nên đem chôn. Trấn tĩnh lại, cụ gọi thêm 2 người hàng xóm đem bộ hài cốt chôn sơ sài bên cạnh cột tín hiệu, nơi cụ đã tìm thấy nó với hy vọng người bị mất có thể quay lại tìm.

Nhiều năm đã trôi qua, một số người được chứng kiến cảnh cụ Ngọc nhặt được và an táng bộ hài cốt giờ đã chuyển đi chỗ khác, 2 người hàng xóm đã giúp cụ Ngọc chôn bộ hài cốt đã khuất núi, và cụ Ngọc giờ đây đã trở thành một trong vài nhân chứng hiếm hoi biết về xuất xứ ngôi mộ, đã làm việc phúc là chôn cất và hương khói cho bộ hài cốt vô chủ kia.

Ông Trân và mẹ

“Ngôi mộ là một phần đời sống tâm linh của gia đình tôi!”

Người công nhân đường sắt trông nom ngôi mộ nhiều năm nay đã nói với chúng tôi như thế khi nói về ngôi mộ. Cụ Ngọc và 2 người hàng xóm đã có công chôn bộ hài cốt nhưng nhiều năm sau, ngôi mộ vẫn chỉ là những viên đất đá mà những người hảo tâm đắp lên.

Ngôi mộ nay nằm ngay cạnh khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt Yên Bái. “Đúng là có ngôi mộ anh ạ, anh cứ thẳng đường tàu tới nhà anh chị Trân-Tuyết là tới”- Những người thợ dặn cặn kẽ. Ông Trịnh Ngọc Trân và vợ- những người đã chăm sóc, hương khói cho ngôi mộ nhiều năm nay đều là cán bộ ga Yên Bái.

Vẫn chưa khỏi hẳn sau cơn đột quỵ, ông tập tễnh ra mở cửa niềm nở đón chúng tôi vào nhà. Căn nhà khá rộng rãi, cạnh đường sắt Yên Bái- Lào Cai và nằm ngay cạnh ngôi mộ. “ Vợ chồng tôi chuyển đến đây từ năm 2000, khi đó đã có ngôi mộ này nhưng chỉ là những viên đất đá xếp chồng lên nhau. Đến năm 2008, khi sửa lại ngôi nhà, vợ chồng tôi đã xây lại ngôi mộ khá kiên cố như anh đã thấy...”.

Ông Trân kể. Ông cho biết, những năm trước, cụ Ngọc và một vài cụ già trong xóm vẫn hương khói cho ngôi mộ những ngày Rằm, mồng một và lễ Tết. Vài năm gần đây, do đã già yếu, cụ Ngọc giao công việc đó cho vợ chồng ông và bảo cố mà làm phúc hương khói cho người ta, chắc có ngày rồi người thân của họ sẽ tới mang con em họ về quê! Thế nhưng ngần ấy năm trời đã trôi qua, cho đến nay vẫn chưa hề thấy bóng dáng người thân nào của người đã khuất tới xin phần mộ của con em họ...

Mấy người dân trong xóm cho biết, vài năm trước, có một cô gái trẻ tới ôm ngôi mộ khóc lóc than rằng người dưới mộ là người yêu của mình, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi người con gái ấy tự vẫn, người ta mới biết cô bị bệnh thần kinh hoang tưởng, và những thông tin về chủ nhân ngôi mộ càng trở nên mù mịt...

(Còn tiếp)

Quốc Hùng