Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Chuyện cụ Bồ Đề hay sự vô cảm với các di sản sống

Không chỉ đau đáu vì cụ Rùa đang bị đe dọa tính mạng, người dân Hà Nội còn thắt lòng vì việc “cụ Bồ đề” tại chợ 19/12 lại thêm một lần được di chuyển, cho dù lần chuyển này được thực hiện công khai,\ theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội...

Sau 3 tháng được đưa về vị trí cũ, “cụ Bồ đề” lại được chuyển nhà mới. Nơi đến của cụ trong lần di chuyển này là công viên Hòa Bình - biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Vấn đề là nếu có ý định di chuyển “cụ Bồ đề”, sao UBND TP. Hà Nội không làm ngay từ thời điểm tháng 11/2010, thời điểm tìm thấy cụ Bồ đề đang được chăm sóc tại Nghi Tàm sau khi bị “bứng” một cách kỳ lạ.

Tại sao người dân lại quá quan tâm đến số phận của “cụ Bồ đề” hay cụ Rùa hồ Gươm? Một người bạn của tôi thậm chí còn tỏ ý hoài nghi về việc chúng ta hết việc để làm hay sao mà cứ quẩn quanh với những sự việc này? Vấn đề là, cả hai "cụ", hai nhân vật làm tốn kém nhiều giấy mực của báo chí, công luận, khiến người dân cũng phải đứng ngồi lo âu là vì nó gắn liền với Hà Nội, là giá trị tinh thần của Hà Nội.

Ở góc độ tinh thần, Cụ Rùa Hồ Gươm thì không có gì cần phải bàn cãi nữa. Bởi không có cụ Rùa, địa danh Hồ Gươm không thể hấp dẫn như thế và người dân sẽ không nô nức đổ về đây mỗi khi có dịp lễ, Tết đến thế.

Hình ảnh cụ Rùa với những vết lở loét làm thắt lòng bao người dân Hà Nội

Còn về "cụ Bồ đề"? Theo nhà sử học Lê Văn Lan, hiện nay hình thức kỷ niệm cho Ngày Toàn quốc kháng chiến của Hà Nội 19/12 không còn nữa. Chúng ta chỉ có Pháo Đài Láng, nơi nổ phát súng báo hiệu tắt đèn vào đêm 19/12 thì đang xập xệ và xung quanh nhà cửa quây kín đặc lại, tìm đường vào vô cùng khó. Còn chợ 19/12, nơi mà mùa đông năm 1946, vào đúng ngày 19/12, biết bao người yêu nước đã bỏ thân cho Hà Nội và quy tập tại nơi này vì sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ thủ đô 60 ngày đêm. Cũng ở ngay con phố linh thiêng này, từng an nghỉ cả các chí sĩ yêu nước như Giáo sư Dương Quảng Hàm, Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện...

Sau ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, nơi đây thành nghĩa trang. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, hơn nghìn hài cốt nơi đây đã được chuyển đến Bất Bạt (TP. Sơn Tây). Rồi không hiểu sao, năm 1986 phố 19/12 tự phát thành chợ. Người ta đã dựng một tấm biển to ghi rõ: Chợ 19/12.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: "Những người dân bán hàng, họ không hiểu hết tầm quan trọng nhưng họ đặt tên và chính như thế là biểu thị ra ý thức của họ khác hẳn và hơn hẳn các vị đặt tên chợ 19/12. Họ biết chính họ là người dương gian đến đây cầu khẩn các âm hồn, cho "mượn" chỗ này để tạm làm kế sinh nhai và họ gọi đây là chợ Âm phủ. Và chỗ này trí tuệ dân gian hơn rất nhiều trí tuệ của các nhà quản lý chính thống mà đặt tên chợ 19/12".

Cụ Bồ đề bị chặt rễ và được âm thầm mang khỏi vị trí chợ 19/12 thời điểm tháng 10/2010.

Hiện nay, chợ 19/12 đã được di dời, còn lại chỉ là một con phố rất ngắn. Nhưng, nó vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều người vì nơi đây còn tồn tại bia thờ các liệt sỹ cùng "cụ Bồ đề" hơn trăm tuổi. Trải qua quá nhiều thăng trầm của lịch sử, qua bom đạn chiến tranh, "cụ Bồ đề" vẫn sống một cách hiên ngang. Thậm chí, khi "cụ" bị chặt rễ mang đi một cách khó hiểu thì người ta vẫn tìm ra "cụ", vẫn đưa "cụ" về vị trí cũ và "cụ" vẫn ra lá, ra chồi. Nhiều người bảo, sức sống của "cụ Bồ đề" mãnh liệt cũng bởi đó là nơi trú ngụ của các linh hồn liệt sỹ đã đổ xương máu cho hòa bình của Việt Nam.

Việc một lần nữa Hà Nội lên kế hoạch di chuyển "cụ Bồ đề", khiến người dân và cả nhà khoa học thấy ngạc nhiên. Vấn đề là giá trị của "cụ Bồ đề" chỉ nổi bật nếu nó được đặt đúng vị trí hiện tại, tại chợ 19/12. Nói như n hà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, từ năm 1946, lịch sử con phố gắn với Ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với những đơn vị tự vệ Thủ đô, những chiến sỹ cảm tử ôm bom ba càng. Do vậy, trước đây, bên cổng chính phía phố Lý Thường Kiệt có ghi hàng chữ “Mồ liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong Ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946”.

Đành rằng chúng ta không thể sống chỉ với hào quang của quá khứ, nhưng, một phần chắc chắn rằng, chúng ta không thể quên đi quá khứ, bởi nó là lịch sử. Mặt khác, nếu vì quy hoạch con phố này hoặc vì quy hoạch Hà Nội mà phải di chuyển "cụ Bồ đề" thì thật là khó hiểu?

Nếu vẫn quyết tâm chuyển "cụ Bồ đề" đi, có lẽ chỉ vì một số lý do. Một là nhà quản lý bất lực với việc phải bảo vệ "cụ Bồ đề". Thứ hai vì nhà quản lý quá vô cảm. Bởi, ngay giữa trung tâm thành phố mà người ta vẫn ngang nhiên chặt rễ ném "cụ Bồ đề" đi, chuyển về công viên, với muôn ngàn các loại cây cối khác, liệu "cụ" có duy trì được sức sống mãnh liệt như đang có?

Lam Nguyên