Đăng ngày 14-04-2013 trong chuyên mục Tin tức

Nghĩa trang không bia mộ ở chiến khu D

Có lần già làng Năm Nổi nói chúng tôi nghe rằng vùng rừng Chiến khu D (xã Mã Đà – huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai) thuở xưa oanh liệt lắm. Không biết bao nhiêu anh em bộ đội đã ngã xuống và ngủ yên dưới lòng đất để giữ. Thế nhưng cũng chính nơi các anh đã hi sinh anh dũng lại không có một bia mộ nào…

Đất lửa anh hùng

Tại Trung tâm sinh thái văn hóa lịch sử chiến khu D thuộc khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, chị Đinh Thị Lan Hương – Phó giám đốc đã khái quát về chiến khu D – vùng đất được mệnh danh là “Việt Bắc của miền Nam”, một trong hai căn cứ quan trọng nhất của miền Đông Nam Bộ.

Tượng đài kỷ niệm Khu căn cứ Trung Ương cục miền Nam

Nhờ địa hình rừng rú hiểm trở, chiến khu D là khu căn cứ, nơi trú đóng lực lượng, kho dự trữ lương thực, vũ khí và phát triển mọi hoạt động của Cách Mạng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước. Giờ đây, một phần chiến khu D nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Khu bảo tồn gồm các di tích: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ được thành lập 1962 – 1967, Địa đạo Suối Linh (1962 – 1967), Căn cứ Trung Ương cục miền Nam (1961 – 1962).

Tại suối Nhung (Mã Đà) có di tích Sư đoàn 9, Sư đoàn chủ lực đầu tiên của miền Nam được thành lập ngày 2/9/1965, với nhiều chiến công vang dội. Năm 2004, Khu di tích TW Cục miền Nam tại Mã Đà được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Và nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà nằm sâu trong rừng thẳm Phú Lý này được thành lập năm 1974.

Anh Nguyễn Văn Nhân – Trưởng trạm Trạm kiểm lâm TW Cục nói: “Mang tiếng là nghĩa trang nhưng thực chất nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà không có bia mộ gì đâu. Vì đơn giản bởi các anh đã ở với đồi, các anh xanh vào cỏ hết rồi! Nghĩa trang nhìn cứ y như rừng. Rừng bao phủ trập trùng!”.

“Rừng Mã Đà này còn là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con của Tổ Quốc chết vì họa thú dữ, vì bệnh sốt rét hoành hành, vì những cuộc phục kích, đầu độc các con sông của kẻ thù và bom đạn hủy diệt của chúng!”. – anh nói.

Chuyện của người giữ rừng

Sau bữa cơm trưa đạm bạc ở Trạm kiểm lâm TW Cục, người trực tiếp đưa chúng tôi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà chính là anh Trạm phó Trần Ngọc Tuấn. Đường xuống khu vực nghĩa trang thật âm u và ẩm ướt. Dừng chân trước cổng nghĩa trang được làm bằng gỗ gõ, được gọi là “Công trình thế kỉ” do chính tay mình và anh em kiểm lâm TW Cục làm năm 2009, anh Tuấn bảo:

Đền liệt sĩ Mã Đà

“Nơi này đang ôm ấp hình hài của hàng nghìn người con ưu tú, kiên trung của Tổ Quốc. Không một bia mộ nào đâu nhé! Bởi hết Pháp rồi Mỹ, thời nào chúng cũng trút bom với dã tâm tiêu diệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta bị trúng bom chết mất xác trong cánh rừng này. Khi có chiến sĩ nằm xuống, đồng đội cũng đưa các anh ra đây an táng, chờ ngày đất nước toàn thắng sẽ đưa các anh về với gia đình. Nhưng hết trận này đến trận khác, bao lớp người nằm xuống cứ thế bị bom đạn của kẻ thù đổ xuống xóa dần dấu vết…”.

Theo chân anh, chúng tôi thắp nhang vùng nghĩa trang và đền liệt sĩ nằm dưới gốc đa cả trăm tuổi. Trong ngôi đền bé nhỏ ấy, chúng tôi lướt mắt qua thấy các anh là người Bắc Ninh – Hà Bắc, Vũ Thư – Thái Bình, Tĩnh Gia – Thanh Hóa…và một bức hình cũ của liệt sĩ Nguyễn Hồng Việt.

Dưới bóng chiều chệch choạng, bên hồ nước hình chữ S phía sau đền liệt sĩ, nơi các liệt sĩ hướng tầm nhìn theo hồ mà thấy được làng quê của các anh, anh Tuấn trầm giọng: “Kẻ thù đã thả hàng ngàn tấn bom đạn xuống để hủy diệt vùng chiến khu D. Không biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã ngủ yên dưới vùng đất rừng này. Sự hi sinh của họ đã thực sự làm nên bản anh hùng ca của dân tộc, để cho đất nước hôm nay tươi đẹp hơn!”.

Hải Âu – Thành Nguyễn