Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Ngày cha về!

Ngày cha vào Nam chiến đấu, tôi mới tròn 5 tuổi. Hơn 40 năm mong ngóng tôi mới được đón cha về trong “Hương trầm bay lãng đãng bóng Người đi/ Về theo con! Cha về nhà với Mẹ!/ Về theo con! Bốn mươi năm có lẻ/ Vẫn tưởng Cha bên cạnh đang còn!”…

Tôi chỉ biết mặt cha qua tấm hình ông chụp năm vừa 30 tuổi. Khi đó, cha tôi đang là học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn). Tôi lớn lên với hình bóng về cha qua lời kể của bà, của mẹ: Cha tôi là một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, vầng trán rộng, đôi mắt sáng và giọng nói hiền từ. Ai đã gặp rồi thì rất khó quên.

Bà nội cũng kể rằng: Ngày tôi được sinh ra, cha tôi vui lắm! Ông được đơn vị cho về phép thăm gia đình và xin phép ông bà nội đặt tên con là Phú (Nguyễn Thị Phú). Cha nói: Cha là một người lính chẳng có của cải gì, cha chỉ cho con cái tên. Con gái cầm tinh con trâu, lại sinh vào mùa xuân cỏ cây đâm chồi, nẩy lộc, chắc chắn sau này sẽ có một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc…

Khi tôi 5 tuổi (năm 1966), cha theo đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu. Cha được phong quân hàm Thượng úy. Thời gian đầu, cha đều đặn gửi thư về cho ông bà và mẹ con tôi. Những lá thư ấy như báu vật đối với gia đình tôi. Nó là hình bóng của cha, là tình thương mà cha dành cho những người thân yêu của mình. Thế nhưng, từ đầu năm 1968, gia đình tôi không nhận được thư của cha nữa. Tôi hỏi thì mẹ chỉ khóc an ủi: “Có lẽ cha con còn bận đánh giặc”.

Sau này, cựu chiến binh Lê Huy Tiết cùng đơn vị với cha tôi kể lại rằng: Ngày 20-2-1968, máy bay địch tập trung ném bom xuống đơn vị (Trung đoàn 45, Binh chủng Pháo binh) đang đóng quân tại Quảng Trị. Một quả bom rơi trúng hầm chỉ huy của cha tôi. Sau đợt bom, đồng đội ào đến bật nắp hầm để cứu cha tôi và những đồng đội khác. Nhưng một cây gỗ to đổ đè lên nóc hầm, nên những đồng đội của cha tôi không có cách nào mà nâng bẩy đi được. Và khi đồng đội đưa được cha tôi lên, ông đã trở về với tiên tổ, nhưng người vẫn còn ấm. Khi đó cha tôi tròn 37 tuổi.

Ngày ấy, do điều kiện chiến tranh nên đồng đội chỉ kịp bó thi hài cha tôi vào trong những tấm tăng, võng, an táng tại trận địa; sơ đồ an táng liệt sĩ cũng chỉ xác định tương đối qua những vật chuẩn như đường mòn, cây cổ thụ, phiến đá… rồi đơn vị lại phải hành quân tiếp tục chiến đấu.

…Sau 42 năm, người đồng chí của cha tôi ở Binh chủng Pháo binh đã cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 45 và thân nhân các gia đình liệt sĩ trở lại chiến trường xưa, tìm kiếm, cất bốc và đưa hài cốt cha tôi và các liệt sĩ khác của đơn vị.

Lễ truy điệu và bàn giao hài cốt liệt sĩ (trong đó có cha tôi) được Binh chủng Pháo binh tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ngay trước Tết Nguyên đán Tân Mão.

Vâng! Thế là tôi đã được đón cha trở về với quê hương, về với gia đình với mẹ, với tôi (hiện cha tôi được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Minh Phương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Ngày cha đi, tôi mới tròn 5 tuổi; khi cha hy sinh, tôi bước sang tuổi thứ 8. Hôm nay đón cha về, tôi đã bước sang tuổi 50. Đứa con gái bé bỏng của cha ngày nào giờ đã trở thành cô giáo dạy văn ở một trường THPT. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, tôi đã giúp biết bao thế hệ học sinh trưởng thành, có mặt trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc. Những lúc buồn, hay gặp khó khăn, trắc trở tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm, tình thân của cha và những người đồng chí, đồng đội của ông luôn ở bên, dìu dắt, nâng bước cho tôi trên đường đời.

Nguyễn Thị Phú, (Giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)