Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Người tri ân đặc biệt

Tại buổi giao lưu “Tri ân liệt sĩ” do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (GĐLS) Việt Nam, Công ty Thương binh-Đồng đội, Đài truyền hình Hà Nội và Báo Công Lý đồng chủ trì tổ chức, diễn ra tối 9-1-2011 tại Hội trường lớn Bảo tàng Hồ Chí Minh-Hà Nội, nhiều đại biểu, nhất là các đại biểu người nước ngoài, ngỡ ngàng trước một vị khách được người dẫn chương trình mời lên sân khấu bằng xe lăn 2 bánh. Ông giao lưu rất ngắn gọn: “Tôi mong muốn cộng đồng hỗ trợ việc tìm và đưa hài cốt các liệt sĩ hiện đang ở đâu đó nơi chiến trường xưa về với người thân; sau là ủng hộ vào Quỹ hỗ trợ GĐLS Việt Nam hai trăm triệu đồng”. Cử tọa vỗ tay dài, như vừa hoan nghênh, lại vừa biết ơn ông. Các đại biểu ngoại quốc thì đi từ ngạc nhiên đến cảm phục…

Tình yêu đặc biệt

Vị khách mời ấy quê ở xã Chiến Thắng (An Lão-Hải Phòng). Tháng 8-1978 vừa tròn 19 tuổi, ông tiếp bước 2 anh trai, nhập ngũ. Sau 2 tháng huấn luyện ở miền Bắc, ông cùng đoàn quân thẳng tiến vào bảo vệ biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, thuộc tiểu đoàn 2, Trung đoàn 3 (Đoàn B30, Quân khu 9). Năm 1979, ông tham gia chiến đấu, giải phóng đất nước Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng. Trong một trận chiến đấu tại Công Pông Xpư, ông bị một mảnh đạn địch găm vào đốt xương ở gần cuối cột sống, làm đôi chân liệt hoàn toàn. Sau hơn 3 năm điều trị tại Bệnh viện 121, chiếc xe lăn hai bánh trở thành "người bạn" thân thiết với ông trên đường đời với muôn vàn vất vả.

Một ngày tháng 10-1982, ông lăn xe đi thăm bạn bè ở gần Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). Trên con đường mòn giữa cánh đồng mới gặt còn vương mùi cốm, một cô gái độ tuổi trăng tròn đang chăn trâu đã giúp ông đẩy xe vượt qua chỗ đất gồ ghề khó đi. Lời cảm ơn của ông làm cho cô gái bối rối. Chắc hẳn cô nghĩ rằng chính mình phải cảm ơn những người thương binh và việc giúp ông như vừa rồi là bổn phận, là trách nhiệm của bất cứ ai! Tại sao ánh mắt của ông lại cảm phiền?... Tình cảnh đặc biệt ấy đã làm cho cô động lòng. Cô chợt nghĩ: Phần đời còn lại của người thương binh rất trẻ này rồi sẽ ra sao ? Cuộc gặp gỡ hôm nay liệu có phải là do trời định?

Chính cái sự bối rối hiện trên cặp mắt cô gái làm sống dậy trong ông ngọn lửa lòng mà ông đã để tắt từ lúc nhận ra đôi chân của mình chỉ còn là một vật thừa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa cánh đồng mới gặt ấy, mọi sự tốt tươi nhen nhóm trong tâm hồn ông, dù mong manh như tơ nhện, đều đã được cô gái trẻ bảo vệ và chắp cánh một cách thần kỳ. Bằng cái nhìn cảm thông sâu sắc và những lời an ủi đầy tình yêu thương, chân thành đến thánh thiện, cô đã làm ông xúc động tự thốt lên: “Ngày mai, tôi sẽ thử sức mình. Nếu tôi tự giật 2 bánh xe này về được tới quê (Hải Phòng) thì có thể tôi vẫn còn khả năng làm chồng. Xin em chờ cho một ngày…!”.

6 giờ sáng hôm sau, ông tự mình “lái” chiếc xe lăn về An Lão, Hải Phòng. 21 giờ cùng ngày thì tới nơi. Suốt ngày hôm ấy, cô gái đứng ngồi thấp thỏm, chỉ sợ cái quyết định “liều lĩnh” ấy khiến anh khổ sở dọc đường. Và rồi, những mùa lúa qua đi và tình duyên đặc biệt ấy đã đơm hoa kết trái. Tuy thiếu một đôi chân bình thường nhưng họ đã có tất cả. Bốn đứa con trai, người vợ trực tiếp nuôi nấng. Còn người chồng thì lăn xe… đi làm!

Ông giám đốc năng động

Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống khó khăn như không có đường ra. Một lần đứng nhìn dòng sông quê chảy hòa vào mạng thông thủy của cả một vùng rộng lớn châu thổ sông Hồng, ông nảy ý định rủ anh em cựu chiến binh lân cận, lợi dụng đường sông, mở dịch vụ chở vật liệu xây dựng đi bán. Những người lính từ mặt trận trở về không chịu khoanh tay cam chịu đói nghèo. Họ nghe anh. Thế là, trong vòng gần mười năm, từ một cơ sở có vài chục nhân công và một cái tàu nhỏ mua bằng tiền bán mũ cối, quần áo kỷ niệm đời lính, chắt chiu “từng hòn than, mẩu sắt, cân ngô”…, đã phát triển thành “Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và vật liệu xây dựng Duyên Hải” do ông làm giám đốc, với một đội tàu có sức đi ra biển lớn, lúc cao điểm có tới gần 1.300 người lao động.

Năm 1995, phương thức vận hành vận tải thủy của Công ty Duyên Hải không còn phù hợp với cơ chế mới, ông mạnh dạn chuyển sang làm dịch vụ trục vớt tàu đắm. Ông tổ chức chế tạo các phao bằng vật nổi, thùng phuy các loại… kết hợp với lợi dụng thủy triều lên làm vai “gánh” hàng trăm chiếc tàu lớn, nhỏ bị cát vùi, đất phủ từ hồi chiến tranh lên khỏi mặt nước. Không những chủ tàu là người Việt Nam ngưỡng mộ, mà cả người nước ngoài cũng phục sát đất! Hết việc với tàu đắm, lại chuyển sang kinh doanh vận tải đường bộ. Đến khi thiên hạ đua nhau cùng vận tải đường bộ, ông “nhường” họ, chuyển sang khai thác đá, cát, sỏi phục vụ khách hàng gần xa… Hiện tại, công ty của ông có 300 lao động, lương bình quân ba triệu đồng/người/tháng, chủ yếu vẫn là trả theo sản phẩm… Thợ máy và người làm kỹ thuật thì hưởng lương cao hơn.

Ba mươi năm cùng chiếc xe lăn, ông đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều thân phận… Những lúc nghĩ ngợi, nhà 3 anh em đi bộ đội đều về được cả; bản thân tuy tàn tật nhưng còn may mắn hơn bao người khác ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhân dân, hài cốt đang còn ở nơi heo hút, không khói hương… ông lại đau đáu nỗi niềm. Khi công ty ăn ra, làm nên, ông chỉ đạo thực hành tiết kiệm để làm việc nghĩa. Nhiều năm gần đây vào dịp lễ-tết, ông cử người đi thăm, tặng quà cho hàng trăm lượt thân nhân liệt sĩ neo đơn, thương binh, bệnh binh khó khăn, trẻ bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở Hải Phòng, gọi là lá rách ít đùm lá rách nhiều. Nghe tin Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam được thành lập, ông cấp tốc lên tận Hà Nội gặp Ban chấp hành Hội, trong lòng thầm nhủ: “Việc hôm nay chớ để ngày mai!”.

Danh sách những tập thể, cá nhân hỗ trợ GĐLS Việt Nam sớm nhất có ghi: Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và vật liệu xây dựng Duyên Hải, Hải Phòng, do ông Phạm Ngọc Kỷ sinh năm 1959, thương binh hạng 1/4, (vợ là Nguyễn Thị Thật sinh năm 1964), làm giám đốc; số tiền ủng hộ là 200.000.000 đồng.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG