Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Những trang hồi ký cho con (kỳ 2)

Những ngày cuối tháng 4-2006, Trung úy Nguyễn Thành Dũng đã yếu lắm rồi, dù muốn viết thêm nhiều nữa nhưng anh không thể nào cầm nổi cây bút...>>> Những trang hồi ký cho con (kỳ 1)

Trang viết đầu tiên.

Đến giữa tháng 12-2001, không hiểu sao ba cứ hay bị sốt mỗi khi về chiều. Ba đã uống nhiều thuốc mà không hết. Ba vẫn cố sức đi làm và tham gia phá nhiều chuyên án lớn. Ba đâu biết rằng, chính sự cố gắng đó đã làm ba suy kiệt sức khỏe nhiều hơn. Ăn Tết Nhâm Ngọ xong, cô Chín con thấy sức khỏe của ba không ổn đã yêu cầu ba đi khám tại bệnh viện 30-4…

Ngày 13-1, cô y tá bảo ba lên phòng bác sỹ có việc gấp. Ba gặp một bác sỹ nữ mà ba không biết tên, bác sỹ đó thông báo cho ba biết ba đã bị nhiễm HIV, căn bệnh đến nay chưa có thuốc chữa. Ba rụng rời chân tay và cảm giác thật suy sụp. Trong đầu ba lúc đó chỉ nghĩ đến mẹ con và con, vì không biết hai người có bị liên lụy gì từ ba không…

Ba được chuyển sang bệnh viện Nhiệt đới để tiếp tục điều trị và cô y tá dặn ba nên đưa mẹ và con đi xét nghiệm… Chiều hôm đó, khoảng hơn 2h chiều thì mẹ con về, mẹ vào buồng nằm một mình và khóc. Ba nhìn mà lòng đau thắt ruột gan, ba khuyên mẹ bình tĩnh và hy vọng để sống còn nuôi con. Các bác chỉ huy ở cơ quan đến an ủi và làm chứng cho ba. Các bác bảo với mẹ con rằng ba bị lây nhiễm qua việc bơm kim tiêm của các đối tượng nghiện ma túy chứ ba không làm điều gì xấu xa cả.

Đúng như vậy, ba là đảng viên Đảng Cộng sản, ba hy sinh vì An ninh Tổ quốc và ba không làm điều gì hổ thẹn với mẹ con, với đồng đội. Nhưng ba đã vô tình lây sang cho mẹ con… Con có kết quả xét nghiệm, ba mẹ vui biết bao nhiêu khi kết quả của con âm tính, có nghĩa là con an toàn và khỏe mạnh…

Và những dòng hồi ký viết cho con của Liệt sỹ - Truy úy Nguyễn Thành Dũng.

Những ngày cuối tháng 4-2006, Trung úy Nguyễn Thành Dũng đã yếu lắm rồi, dù muốn viết thêm nhiều nữa nhưng anh không thể nào cầm nổi cây bút. Những ngày sắp mất, nằm trong bệnh viện nỗi nhớ con khôn nguôi dày xéo tâm can anh, muốn gặp bé Minh lắm nhưng anh sợ! Ngày nào anh cũng gọi điện về chỉ để hỏi bé Minh ăn cơm chưa? Thèm lắm nghe một tiếng “Ba ơi!” của con.

Thời gian sao trôi nhanh đến vậy, 6 tháng ròng rã vụt qua trong chớp mắt, anh nén lòng và không một lần cho bé Minh vào viện thăm mình. Kiên trì vật lộn với căn bệnh thế kỷ bằng những cố gắng không biết mệt mỏi, trước lúc ra đi điều anh ân hận và dằn vặt bản thân nhất là không biết mình bị nhiễm khi nào để rồi lây sang cho vợ. Hơn cả là suy nghĩ trong anh còn gì để lại cho con, và anh đã gắng sống vì con, trong những giây phút lạc quan và tin tưởng nhất vào cuộc sống cuốn “Hồi ký gửi Nguyễn Duy Minh, con trai thân yêu của ba” đã ra đời với vẻn vẹn 18 trang, được viết bằng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng chân tình và vô cùng ấm áp.

Đã bước sang năm thứ 6 kể từ khoảnh khắc ấy, khi hơi ấm hoàng hôn cuộc đời anh đã tắt lúc vừa tròn 37 tuổi, nhưng ánh bình minh của cuốn hồi ký của Liệt sỹ - Trung úy cảnh sát Nguyễn Thành Dũng sẽ cháy và sáng mãi trong tâm trí triệu triệu con tim người dân yêu mến sự bình yên của thành phố.

Rạng sáng ngày 15-6-2006, đồng đội và người thân đã đưa Liệt sỹ - Trung úy cảnh sát Nguyễn Thành Dũng về nơi an nghỉ cuối cùng. Nơi anh nằm là khoảnh đất nhỏ sau một ngôi chùa, cạnh ngôi mộ vợ anh vẫn chưa kịp xanh cỏ.

Những tháng ngày cuối năm 2010, cuốn “Hồi ký gửi Nguyễn Duy Minh, con trai thân yêu của ba” được viết trong những ngày hai vợ chồng anh nhường nhau từng viên thuốc chống lại căn bệnh thế kỷ đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân. Nguyên vẹn và làm ấm lòng bất kỳ ai đọc nó, cuốn hồi ký là một kỷ vật đáng trân trọng của một con người cống hiến hết mình cho Tổ quốc, kiên trì chống chọi với bệnh tật, yêu thương vợ con… đã làm sáng ngời phẩm chất người chiến sỹ Công an nhân dân.