Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Đừng triệt hạ nguồn sống của gia đình có 2 liệt sĩ

Theo địa chỉ trong đơn khiếu nại, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Dối (tên khi hoạt động Việt Minh là Lê Thị Rối) ở số 2, dãy B1, đường Tô Hiệu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Cụ Dối, 99 tuổi nhưng minh mẫn, cùng với con gái là Nguyễn Thị Giáo ngồi bán hàng nước ở trước cửa nhà. Gặp chúng tôi cụ mừng kể lể nỗi khổ của cụ trong mấy chục năm. Chuyện của cụ câu được câu mất, phải chăm chú lắm mới không bị rối...

Năm 1950, cụ ông là Nguyễn Bá Bống hi sinh trong một trận đánh quân Pháp, bản thân cụ bị thương, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Sau này nhà nước công nhận cụ Bống là liệt sĩ. Nhà cụ ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) địa chỉ liên lạc để cán bộ kháng chiến đi về, trong số đó có Đại tướng Văn Tiến Dũng. Khi cụ ông hi sinh thì căn nhà cụ, bí mật bị lộ. Quân Pháp phá, cụ phải đi ở nhờ. Cụ có 3 người con, con trai Nguyễn Quốc Thưởng là liệt sĩ thời chống Mỹ, 2 người con gái là bà Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Giáo. Năm 1989, Hội Nông dân tỉnh Hà Tây giao cho bà Giáo căn nhà rộng 30m², hiện nay nằm trên đường Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Cụ Dối viết đơn đề nghị thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông) hợp thức hóa căn nhà, cho cụ đứng tên chính chủ để có nơi trú ngụ sinh sống cuối đời. Cũng từ đó cụ bước vào hành trình gian nan tìm một nơi được sống bình yên.

Bà Nguyễn Thị Giáo (trái) và cụ Nguyễn Thị Dối, 99 tuổi.

Ảnh: Thanh Hương Ngày 27-8-2007, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Đông Phạm Khắc Minh (nay là quận) kí quyết định số 3951/QĐ-UBND giao cho bà Nguyễn Thị Giáo sử dụng lô đất số 115, diện tích 40 m2 tại khu 2,6 ha phường Quang Trung, thành phố Hà Đông, được miễn tiền sử dụng đất vì bà Giáo là gia đình chính sách. Cụ Dối đã có đơn ngày 2-9-2007 khiếu nại quyết định này, vì cụ mới là người có đơn đề nghị cấp đất, với tiêu chuẩn của vợ liệt sĩ và mẹ liệt sĩ. Bà Giáo là cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hà Tây, không có liên quan gì đến việc cấp đất cho cụ Dối, do đó cần phải bỏ tên bà Giáo ra khỏi quyết định cấp đất. Cụ nhắc nhở ông Minh: Việc cấp đất cho tôi là do chính sách ưu đãi người có công được quy định thành pháp luật, ông không nên coi việc cấp đất cho tôi là việc làm bố thí như cho kẻ ăn mày. Ngày 1-10-2008, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Đông Nguyễn Trường Sơn ra quyết định 1062/QĐ-UBND giải quyết đơn của cụ Dối ở số nhà 2, dãy B1 đường Tô Hiệu đã bổ sung, sửa lại quyết định 3951, ghi thêm tên cụ Dối vào quyết định cấp đất, khẳng định việc miễn 100% tiền sử dụng đất là đúng quy định của pháp luật (thế nhưng ông Sơn vấn kết luận cụ Dối khiếu nại quyết định 3951 là không có cơ sở?). Cụ Dối tiếp tục khiếu nại, ngày 17-9-2009 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh kí quyết định 4816/QĐ- UBND giải quyết khiếu nại của cụ Lê Thị Rối, trong đó ghi: "Bà Lê Thị Rối không phải là đối tượng được giao đất; việc miễn tiền sử dụng đất cho hộ bà Nguyễn Thị Giáo là vận dụng điều kiện, hoàn cảnh của hộ gia đình có bà Lê Thị Rối là đối tượng chính sách cùng hộ khẩu. Việc bà Lê Thị Rối đề nghị được đứng tên sử dụng đất tại quyết định 3951/QĐ-UBND là không có cơ sở".

Cụ Dối tiếp tục gửi đơn đến các cấp chính quyền nên ngày 19-4-2011 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh ra quyết định số 1778/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại, trong đó không giải quyết việc đưa tên cụ Dối vào quyết định giao đất cho bà Nguyễn Thị Giáo. Quyết định 1778 công nhận cụ Dối là vợ liệt sĩ, có con trai duy nhất là liệt sĩ, là đối tượng chính sách được nhà nước phụng dưỡng. Tuy nhiên, quyết định 1778 nêu các con của cụ Dối đều được nhà nước giải quyết nhà ở, đất ở, bà Giáo có 1 con nuôi cũng được giao 40m² đất làm nhà ở, cụ Dối ở cùng con gái không được coi là đối tượng khó khăn về nơi ở. Nếu cụ Dối không muốn ở cùng các con thì sẽ xem xét giải quyết theo hồ sơ riêng. Quyết định 1778 hủy bỏ nội dung miễn giảm tiền sử dụng đất tại quyết định 3951 và là quyết định thay thế cho quyết định 4816. Về quyết định 1778 bà Giáo cho biết: Ông Vũ Hồng Khanh nêu các con cụ Dối đều được nhà nước giải quyết nhà ở là không đúng sự thật. Cụ Dối có một con trai là liệt sĩ, còn lại 2 con gái là bà Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Giáo, chưa ai được cấp đất. Bà Giáo được giao 40m² nhưng đến giờ này chưa nhận, vẫn phải sống trong nhà chật hẹp ở số 2, dãy B1 đường Tô Hiệu, nay bị đe dọa đuổi, mai bị đe dọa cưỡng chế lấy đất giao cho cán bộ. Hiện nay bà Giáo và cụ Dối dùng mặt tiền của nhà bán hàng nước, lần hồi nuôi nhau. Nguyện vọng của cụ Dối là hợp thức hóa căn nhà số 2, dãy B1, đường Tô Hiệu cho cụ đứng tên, dùng làm nơi ở cuối đời, thờ cúng liệt sĩ. Chúng tôi thấy rằng thực tế thì cụ Dối và con gái sống ở đây đã mấy chục năm, trước mốc thời gian 15-10-1993 nên nếu cơ quan có thẩm quyền hợp thức hóa cho cụ thì vừa hợp tình, hợp lí, đúng pháp luật, bảo đảm chính sách nhà nước cho người có công. Việc đẩy gia đình cụ đến lô đất 115, khu 2,6 ha thực tế là triệt hạ nguồn sống của cụ và con gái. Ở tuổi của cụ và con gái cụ không còn khả năng tìm việc làm khác, học thêm nghề khác, ra khỏi nơi ở quen thuộc là bị rơi vào ngay bước đường cùng. Chúng tôi hi vọng UBND thành phố Hà Nội cân nhắc kĩ để có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Ngọc Phi - Thanh Hương