Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Người CCB lặn lội đi tìm mộ đồng đội

Đại tá, CCB Cao Xuân Đại ở tổ 26, phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), hằng chục năm qua liên tục đi đến các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) và các chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội, nhiều lần còn đưa cả con trai theo phụ giúp và trở thành một điển hình về đạo lí uống nước nhớ nguồn.

Thời chống Mỹ, ông Đại tham gia nhiều trận đánh trên các chiến trường miền Trung-Tây Nguyên. Kết thúc chiến tranh, CCB Cao Xuân Đại luôn trăn trở nghĩ đến bao đồng chí đồng đội đã ngã xuống và không biết hài cốt, phần mộ của anh em đang nằm ở đâu. Suốt 16 năm qua ông đã nhiều lần trở lại các chiến trường xưa để tìm kiếm mộ liệt sĩ. Nhiều NTLS; địa điểm chiến đấu ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tây Nguyên, ông đã đến hàng chục lần. Cuối tháng 7-1997, người CCB già đã òa khóc trong NTLS Phong Điền (Thừa Thiên Huế) khi tìm thấy 119 đồng đội cùng đại đội với ông hi sinh trong trận đánh Thành cổ Quảng Trị, đầu Xuân 1968. Ông lần lượt ghi hết địa chỉ và chụp ảnh bia mộ, gửi về cho từng gia đình liệt sĩ. Thân nhân liệt sĩ nhận được thư, ảnh, đã liên hệ với ông và được ông tiếp đãi, ăn nghỉ ngay tại nhà mình, rồi đưa đến tận nơi, giúp liên hệ với chính quyền địa phương, tổ chức cất bốc hài cốt đưa về quê an táng.

Vợ chồng CCB Cao Xuân Đại và cô giáo Đoàn Thị Bích Mai. Tại Quảng Nam, nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, ông đã tìm ra nơi chôn hơn 200 liệt sĩ, đã đưa về an táng tại NTLS xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc)…

Suốt quá trình đi tìm mộ đồng đội, ông Đại còn tổ chức đón tiếp, lo liệu ăn ở cho các thân nhân và có quà biếu bố mẹ liệt sĩ hết sức chu đáo bằng tiền lương của mình. Điển hình, khi tiếp đón gia đình ông Lê Văn Bồng ở Thanh Hóa, anh của Liệt sĩ Lê Trọng Đạt (hi sinh tại Quảng Trị năm 1972), ông Đại còn tổ chức quay phim, chụp ảnh và gửi tặng mẹ Liệt sĩ Đạt một bộ quần áo lụa.

Từ năm 1995 đến nay, ông Đại tìm được hơn 1.300 mộ liệt sĩ, đã chụp ảnh phần mộ, báo tin, chỉ dẫn địa điểm cụ thể cho chỉ huy đơn vị và gia đình các liệt sĩ, trong đó nhiều trường hợp đã liệt sĩ được đưa về an táng tại quê hương.

Tiếp sức với ông Đại trong các việc làm thắm nồng tình đồng đội và đạo lí uống nước nhớ nguồn là người vợ hiền thục - cô giáo Đoàn Thị Bích Mai và người con trai hiếu thảo là Cao Thượng Thế. Có lúc nhà hết tiền, nhưng thấy ông chuẩn bị đi tìm đồng đội là bà lại chạy vạy, lo liệu. Những khi có thân nhân liệt sĩ đến nhà, bà luôn niềm nở tiếp đón ân cần. Ông Đại cho biết, sở dĩ ông thực hiện được tâm nguyện đi tìm mộ đồng đội cũ và sẽ còn tiếp tục hành trình này là nhờ có vợ con hết lòng ủng hộ.

Lê Văn Thơm