Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Điểm báo ngày 18/8/2011

Cơ quan Đảng, Nhà nước sử dụng “mạng chuyên dùng” do VNPT xây dựng

Đây là nội dung nổi bật của Thông tư số 13 quy định về việc quản lý, vận hành, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên Mạng truyền số liệu chuyên dùng (gọi tắt là Mạng chuyên dùng) của các cơ quan Đảng, Nhà nước vừa được Bộ TTTT ban hành. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2011, theo Thông tư 13, danh mục dịch vụ cung cấp trên Mạng chuyên dùng ngoài dịch vụ hội nghị truyền hình, còn có các dịch vụ truyền số liệu và thuê kênh riêng sử dụng công nghệ kết nối mạng riêng ảo (VPN) gồm Intranet IP/MPLS VPN, Extranet IP/MPLS VPN, Internet IP/MPLS VNP, IP VPN truy nhập từ xa, VPN liên kết giữa các nhà cung cấp; cùng 6 dịch vụ giá trị gia tăng gồm truy nhập Internet, trung tâm dữ liệu, cho thuê chỗ trên máy chủ mạng, máy chủ mạng, máy chủ thư điện tử, thoại VoIP.

Trong thông tư này, Bộ TTTT đã chỉ đạo VNPT phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn mạng và thông tin trên Mạng chuyên dùng. Về phía các đơn vị sử dụng, phải quản lý, khai thác và bảo vệ thiết bị mạng của điểm kết nối đặt tại cơ quan mình theo hợp đồng với VNPT; chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin truyền đưa trên mạng chuyên dùng theo đúng quy định pháp luật; không được thay đổi kết nối, thông số thiết lập mạng của các thiết bị liên quan… Đặc biệt, phải đăng ký sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số với Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Nội vụ) để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin trên Mạng chuyên dùng. (VnMedia 17/8/2011)

Nâng cao năng lực lãnh đạo thông tin các cấp ủy Đảng các tỉnh phía Nam

Ngày 17/8/2011, Ban tuyên giáo TW, Ban chỉ đạo CNTT các cơ quan Đảng và UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực lãnh đạo thông tin của các cấp ủy Đảng góp phần thực hiện thành công Đề án 06” tại tỉnh Lâm Đồng. Hội thảo có sự tham dự của cán bộ thông tin thuộc 24 tỉnh, thành phía Nam.

Năm 2011 là năm cuối cùng thực hiện Đề án 06 theo quyết định của Ban Bí thư. Tại hội thảo, Ban Bí thư đã chỉ đạo nhấn mạnh 2 việc cần hoàn thành là: Hoàn thiện hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực CNTT để phối hợp với cơ quan TW từng bước đưa các hệ thống thông tin chuyên ngành đã được triển khai ở TW và phần mềm dùng chung vào triển khai rộng khắp; Hoàn thiện các quy trình tạo lập lưu trữ thông tin kết hợp áp dụng các chuẩn thông tin do Nhà nước ban hành đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ. Ngoài ra cần điện tử hóa toàn bộ văn bản nhằm hỗ trợ trao đổi, khai thác dữ liệu ổn định và thuận tiện, góp phần đưa văn phòng cấp ủy trở thành trung tâm thông tin của lãnh đạo... (ICT News 17/8/2011)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo về ưu đãi với Nokia

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo về ưu đãi đầu tư cho dự án thành lập Công ty TNHH Nokia Việt Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục làm việc với tập đoàn Nokia để làm rõ thêm các nội dung cũng như cam kết của nhà đầu tư này với các yêu cầu về công nghệ sử dụng trong dự án. Đồng thời cũng cần làm rõ về nội dung và cơ chế hậu kiểm đối với khả năng hiện thực hóa cam kết đầu tư, lợi ích thật sự do dự án mang lại. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT phải đề xuất hình thức phù hợp hơn về khả năng áp dụng quy định của pháp luật hiện hành để xem xét mức độ ưu đãi đầu tư hợp lý cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. (TBKTVN 18/8/2011)

Viettel đầu tư 80 triệu USD vào ĐH Quốc gia TP.HCM

Sáng 17/8/2011, ĐHQG TP.HCM và Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai bên trong thời gian 50 năm. Theo đó, ĐHQG TP.HCM đồng ý về chủ trương để Viettel nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư “Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực Viettel” trên diện tích 10ha tại khu quy hoạch viện nghiên cứu thuộc dự án xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM (gần nhà công vụ ĐHQG TP.HCM). Trung tâm này sẽ đáp ứng 2.000 cán bộ, sinh viên, nghiên cứu sinh (giai đoạn 1) đến 5.000 cán bộ nghiên cứu theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Dự kiến tổng mức đầu tư của Viettel cho dự án là 80 triệu USD. (Tuổi Trẻ 18/8/2011)

AVG chọn CRM.COM cung cấp phần mềm quản lý thuê bao

Ngày 17/8/2011, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty CRM.COM (Anh) cung cấp giải pháp phần mềm cho hệ thống tính cước và quản lý thuê bao (BSMS) cho AVG. Hệ thống BSMS sẽ giúp cho AVG quản lý toàn bộ quy trình kinh doanh một cách đồng nhất trên phạm vi toàn quốc, bao gồm quản lý nhân sự, các đối tác, các hoạt động từ tiếp thị cho đến phân phối, bán hàng, lắp đặt, sửa chữa, thanh toán và chăm sóc khách hàng.

Khi hệ thống tính cước và quản lý thuê bao BSMS đã được triển khai một cách đồng bộ, khách hàng của AVG sẽ được cung cấp một cổng giao tiếp điện tử, cho phép họ tự quản lý và theo dõi thông tin về dịch vụ mình đang dùng (web self care services) hoặc thực hiện các thao tác trực tuyến như đăng ký gói kênh mới, thanh toán tiền dịch vụ... (ICT News 17/8/2011)

Ra mắt website http://www.trianlietsi.vn

(SGGP).- Ngày 17-8, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chính thức ra mắt website có tên miền http//www.trianlietsi.vn. Đây là trang thông tin điện tử đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động và là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Trang thông tin sẽ góp phần cung cấp thông tin trên Internet nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm hài cốt, mộ chí, xác định danh tính các liệt sĩ đã hy sinh. Đồng thời, website cũng sẽ là cầu nối giữa Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam với các gia đình liệt sĩ để hỗ trợ họ trong cuộc sống. Thông tin, tư vấn cho các gia đình liệt sĩ về các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với liệt sĩ… (SGGP 18/8/2011)

Ngư dân Đà Nẵng đầu tiên được hỗ trợ máy dò cá

Ngày 17/8/2011, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu hải sản, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Quốc gia đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức triển khai mô hình “Ứng dụng máy dò ngang (sonar) vào nghề khai thác lưới vây”. Ngư dân đầu tiên của TP được hỗ trợ máy dò ngang sonar CSL-1000 là ông Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) có tàu công suất 500 CV. Máy sonar CSL-1000 do Nhật sản xuất, trị giá 285 triệu đồng, tầm quét đường kính đến 1.000 m. Đây là loại thiết bị hiện đại giúp ngư dân phát hiện đàn cá chính xác ở các hướng, đánh giá đúng đặc điểm đàn cá về mật độ, độ sâu, hướng di chuyển, tốc độ di chuyển, ước tính sản lượng… (Pháp luật TPHCM 18/8/2011)

TP.HCM: Doanh nghiệp đã thích kiểm hóa bằng máy “soi”

Theo cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, sau hơn một năm thực hiện việc kiểm tra hàng container xuất nhập khẩu bằng máy “soi” qua cảng Cát Lái đã tiết kiệm hơn 3,8 tỉ đồng cho doanh nghiệp về khoản chi phí bốc xếp, vận chuyển, rút ngắn thời gian thông quan so với phương pháp thủ công.

Từ ngày 1/6/2010 – 15/7/2011 đã có 15.101 tờ khai (18.557 container được kiểm tra qua máy soi), qua đó phát hiện 12 vụ vi phạm hành chính, điều chỉnh thuế suất 80 trường hợp doanh nghiệp khai sai mã số, hoặc sai thuế suất, trong đó chỉ có 95 container (chiếm 0,54%) phải kiểm tra lại bằng phương pháp thủ công sau khi kiểm tra qua máy soi. (Sài Gòn Tiếp Thị 17/8/2011)

Mua sách trực tuyến: chờ thói quen thay đổi

Mặc dù dịch vụ mua sách trực tuyến đã xuất hiện từ năm 2005, nhưng đến nay mới chỉ chiếm được 5% thị phần. “Hiện tại mọi thứ vẫn chỉ mới sơ khai, tốc độ tăng trưởng của nó quá chậm” – ông Huỳnh Ngọc Hưng, giám đốc điều hành nhà sách trên mạng Vinabook.com nói. Hiện tại, hầu hết những đơn vị bán sách trực tuyến lớn như: Vinabook, Tiki, nhà sách Phương Nam… đều giảm giá 10% cho gần như mọi đầu sách. Ngoài ra, số lượng sách giảm giá 10 – 30% cũng tương đương một số nhà sách chính thống. Chi phí vận chuyển sách cũng không phải là vấn đề lớn, vì các công ty đều có chính sách miễn phí vận chuyển cho những đơn hàng 70.000 – 100.000 đồng trên địa bàn TP.HCM – nơi chiếm 70% số đơn hàng mua sách trực tuyến trong cả nước. Chính vì vậy, giá cả không phải là điều cản trở khách hàng đặt mua sách trực tuyến khi so sánh với giá mua sách trực tiếp như nhiều năm trước. Hiện nay, bên cạnh những nhà sách trực tuyến tên tuổi nói trên thì vẫn có rất nhiều những nhà sách nhỏ, lẻ hoạt động trên mạng, số lượng chưa thể thống kê được, chất lượng dịch vụ còn yếu. Ông Nguyễn Thế Truật, phó giám đốc nhà xuất bản Trẻ cho biết: “Lợi dụng đặc điểm khách hàng không thấy được sách trực tiếp, nhiều nhà sách nhỏ trên mạng bán sách giả để ăn lời 50 – 60%”.

Chiếm 3% trong thị phần 5% của dịch vụ sách trực tuyến, hiện Vinabook là công ty có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay cả Vinabook cũng phải chịu lỗ khoảng thời gian đầu từ năm 2005 – 2009, và chỉ bắt đầu có lợi nhuận từ năm qua. Tất cả nằm ở thói quen. Nhưng không lâu nữa, năm nay hoặc năm sau thị trường trực tuyến sẽ bùng phát vì đang có trào lưu mua hàng theo nhóm trên mạng. Nó sẽ làm mọi người quen dần với việc mua hàng trực tuyến, từ đó góp phần làm tăng thị phần mua sách trên mạng - giám đốc điều hành Vinabook phân tích. Hiện tại, khó khăn lớn nhất mà các công ty sách trực tuyến phải đối mặt là hệ thống thanh toán. “Thanh toán qua tài khoản sẽ tiện lợi hơn cho chúng tôi trong việc quản lý tiền, nhưng khách hàng vẫn quen với việc thanh toán tiền mặt, kể cả giới nhân viên văn phòng đã có tài khoản ngân hàng hay thẻ ATM. Do đó, chúng tôi lại phải tốn thêm chi phí để chuyển lượng tiền mặt nhỏ lẻ thành tiền trong tài khoản”, ông Huỳnh Ngọc Hưng cho biết. Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn. “Các nước đều có những công ty chuyên làm dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp. Các công ty vận chuyển ở Việt Nam, thái độ phục vụ của nhân viên giao hàng chưa chuyên nghiệp… Vì vậy, công ty chúng tôi phải tự đào tạo một lượng nhân viên riêng để giao hàng. Tỷ lệ nhân viên giao hàng riêng và nhân viên ở công ty vận chuyển là 50 – 50”, ông Thái Sơn – giám đốc điều hành của Tiki cho biết. Hai đến ba năm nữa sẽ là thời điểm bùng phát của thị trường sách trực tuyến – đó là hy vọng của giới kinh doanh sách qua mạng. Người tiêu dùng đã khá quen với việc mua sách trực tuyến rồi, chỉ còn chờ thời gian để thay đổi thói quen nữa thôi - giám đốc điều hành của Tiki nhận định. (Sài Gòn Tiếp Thị 17/8/2011).