Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Một cuộc hành hương

Những địa điểm chúng tôi đã chọn trong chuyến tham quan và học tập này: trước hết là vào thắp hương và viếng mộ đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, kế đó là đến nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc để thắp hương và "gặp lại” 10 nữ liệt sĩ Thanh niên xung phong anh hùng và cuối cùng về làng Sen để thưa với Bác Hồ về những nhận thức mới qua chuyến đi của lớp con cháu.

Đoàn hành hương của Chi bộ và Mặt trận 18

mặc niệm trước mộ đồng chí Trần Phú

Chương trình đó được mọi người nhất trí cao và được chuẩn bị chu đáo. Đoàn chúng tôi gồm 40 người, bao gồm cả đảng viên và thành viên MTTQ số 18 (mà phần rất lớn đều đã nghỉ hưu, thậm chí có người đã hơn 80 tuổi). Dọc đường đi, tất cả mọi người trên xe đều sôi nổi tham gia đóng góp những hiểu biết của mình về tỉnh Hà Tĩnh, về đồng chí Trần Phú (xe đông, nhưng nhờ nữ Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Thảo chuẩn bị rất chu đáo nên xe có micro, có loa để ai cũng có thể đóng góp ý kiến mà không cần di chuyển chỗ ngồi).

Nhiều đồng chí nói rằng Hà Tĩnh là mảnh đất "địa linh nhân kiệt”, với rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng đã từng đi vào thơ ca, vào di sản không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Nào là núi Hồng Lĩnh và những dòng sông La, sông Lam, sông Ngàn Phố... đã từng được ngân lên da diết trong nhiều khúc ca của một thời để nhớ, nào là vườn quốc gia Vũ Quang với những giống sao la, mang... mà chỉ có ở Việt Nam và được thế giới ghi vào sách đỏ để bảo vệ... Hà Tĩnh còn là quê hương của những "nhân kiệt” trong lịch sử oai hùng của đất nước kể từ Mai Hắc Đế, trải qua Đặng Dung, Đặng Tất, Nguyễn Biểu... đến Phan Đình Phùng, Cao Thắng. Một bác sĩ trong đoàn bổ sung vị tổ của đông y Việt Nam là Hải thượng Lãn Ông cũng có quê ở tỉnh này. Nhiều nhà văn, nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, rồi nhà bác học nguyên tử của Việt Nam là Nguyễn Đình Tứ, và nhất là đại thi hào Nguyễn Du - người đã được quốc tế tôn vinh là "nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới”... cũng là "người Hà Tĩnh”. Hà Tĩnh cũng là quê hương của Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng... mà hài cốt cũng vừa được chiêu tập về quê nhà để những thế hệ sau được đến chiêm bái và suy ngẫm. Nhiều người nói rằng nếu đi cho hết những danh lam thắng cảnh và những di tích của những danh nhân trên đất Hà Tĩnh thì "cả tuần lễ cũng chưa hết” - mà đó là sự thực. Tiếc rằng thời gian có hạn, nên đoàn chúng tôi chỉ xác định sẽ đến hai địa điểm: mộ đồng chí Trần Phú và nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc (và hẹn nhau "để dành cho những lần sau” còn có dịp trở lại).

Chúng tôi cũng trao đổi và bổ sung cho nhau những chi tiết về tiểu sử đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 và mất ngày 6-9-1931 khi mới 27 tuổi, khi bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man tại nhiều nhà tù và mất tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn (nay là đường Lý Chính Thắng, TP. Hồ Chí Minh). Đóng góp lớn nhất là đồng chí đã kịp hoàn thành bản Luận cương chính trị của Đảng (khi đó còn có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương). Một số đồng chí cao tuổi còn kể cho mọi người nghe những chi tiết về việc đưa hài cốt của đồng chí Trần Phú từ TP. Hồ Chí Minh về quê hương (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), về những chuyện cảm động của tình đồng chí mà người Tổng Bí thư trẻ tuổi đã thể hiện. Chuyện kể rằng sau những đòn tra tấn khủng khiếp của bọn thực dân, đồng chí bị lao (mà trình độ y học khi đó xếp bệnh lao đứng thứ 2 trong "tứ chứng nan y”, đến mức bọn giám thị thực dân cũng sợ!). Biết mình không thể qua khỏi, đồng chí thường nhường những suất ăn của mình cho các đồng chí bạn tù (dù đó là những suất "cơm tù”). Trước khi lâm chung, một đồng chí trong chi bộ nhà tù ghé sát tai và hỏi đồng chí Tổng Bí thư "có dặn dò gì không?”. Câu dặn dò - hay trăng trối cuối cùng - của Trần Phú là "hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Trời Hà Tĩnh hôm ấy nắng gay gắt, có dễ phải đến 40oC khi đứng ngoài trời. Vậy mà tất cả 40 người chúng tôi, cả đảng viên và người ngoài Đảng, vẫn đứng xếp hàng lặng yên trong tiếng kèn trầm hùng của bản nhạc mặc niệm, sau khi đã đặt những vòng hoa và thắp hương trước mộ đồng chí. Giám đốc Khu di tích chậm rãi kính báo với đồng chí Trần Phú về thành phần của đoàn chi bộ 18 phường Quan Hoa. Một Phật tử trong phường Quan Hoa không đi được vì tuổi cao, còn gửi cả một túi bột trầm hương và dặn phải nhớ rắc quanh mộ của đồng chí. Tất cả chúng tôi đều ngước lên nhìn lời dặn dò của đồng chí Trần Phú "hãy giữ vững chí khí chiến đấu” nay được gắn trên bức tường phía sau mộ (xem ảnh), và xếp hàng đi quanh mộ 3 lần.

Khi trở lại xe, mọi người đều yên lặng, có lẽ ai cũng trầm ngâm suy ngẫm về lời dặn dò của đồng chí Trần Phú. "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, câu nói lịch sử đó đã qua 80 năm, nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, và nhắn nhủ chúng ta nhiều lắm. Đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng hy sinh khi chưa kịp biết rằng chỉ 14 năm sau, đất nước ta, dân tộc ta đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng 8 vĩ đại nhất trong lịch sử, đưa 25 triệu người dân từ "kiếp người cơm vãi cơm rơi” lên địa vị chủ nhân của Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên của châu Á. Đồng chí cũng chưa kịp biết rằng Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam - dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ vĩ đại đã vượt qua biết bao nhiêu thác ghềnh để giữ vững nền độc lập tự do qua những cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài mấy thập kỷ.

"Hãy giữ vững khí chí chiến đấu”, lời nhắc nhở của đồng chí dường như đã tiên đoán được những khó khăn của dân tộc ta trong những ngày tháng này. Thù trong, giặc ngoài, những khó khăn đủ các mặt. Nhưng dân tộc Việt Nam ta vốn dĩ là một dân tộc kiên cường, bất khuất và những lúc tưởng như khó khăn nhất lại chính là lúc lòng tự hào, tự tôn dân tộc lại bộc lộ một cách mạnh mẽ nhất. Chí khí chiến đấu của 86 triệu người dân Việt Nam vẫn được luôn luôn giữ vững và trở thành một truyền thống sáng chói kể từ thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... và nay là thời đại Hồ Chí Minh.

"Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, lời dặn dò tâm huyết trước lúc mất của đồng chí Trần Phú cũng đã được thể hiện trong lời hịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: "Không, dân tộc ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và "không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Chúng tôi còn đến nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc, khi về Nghệ An, chúng tôi còn đến cả quê nội và quê ngoại của Bác Hồ kính yêu, lên viếng mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người. Chắc những ghi chép này, tôi phải để lại những số sau, vì biết rằng báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận còn rất nhiều bài viết khác cần đăng tải. Tôi chỉ muốn nói rằng đây là một chuyến hành hương bổ ích, một buổi "sinh hoạt chi bộ” mang tính dã ngoại nhưng có tác dụng rất lớn không chỉ với số đảng viên của Chi bộ 18 mà còn cả những hội viên Mặt trận, những người ngoài Đảng – ngoài Đảng nhưng luôn mang tấm lòng son sắt đi theo Đảng. "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, tất cả người Việt Nam mình luôn tâm niệm như thế, nhất là trong những ngày tháng này.

Nguyễn Lê Bách